Ngành dệt may xáo trộn vì thương chiến
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là đại diện cho bức tranh còn xám màu của ngành may mặc trong nước. Thương chiến đã khiến kết quả kinh doanh quí III/2019 của các đơn vị thuộc Vinatex giảm đáng kể so với cùng kì năm trước, qua đó ảnh hưởng đến thành tích chung của toàn tập đoàn.
Ngoại trừ May Nhà Bè, hầu hết các đơn vị thành viên thuộc Vinatex đều có doanh thu quí III/2019 sụt giảm so với cùng kì. Bên cạnh đó, nỗi lo về việc thiếu đơn hàng trong thời gian tới cũng đang đeo bám họ.
Kết quả kinh doanh quí III/2019 của nhóm doanh nghiệp Vinatex. (*): Sở hữu gián tiếp; (**): Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ. Đvt: Tỉ đồng. (Nguồn: TV tổng hợp)
Trước đây, các chuyên gia đều lo ngại năng lực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam sẽ không đáp ứng kịp số lượng đơn đặt hàng gia tăng, nhờ hưởng lợi từ các hiệp định CPTPP, EVFTA hay cả thương chiến Mỹ - Trung. Tuy nhiên thực tế trước mắt đang cho thấy điều ngược lại.
VnEconomy mới đây dẫn Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu của Vinatex cho biết đến cuối quí III, hầu hết các đơn vị chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm. Đơn hàng từ Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang các quốc gia có ưu đãi thuế suất như Bangladesh, Campuchia.
Theo một báo cáo công bố hồi tháng 9, công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tâm lí chung của toàn ngành dệt may thế giới hiện nay là phòng ngự. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tại những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Các khách hàng nội địa và quốc tế đang có xu hướng trì hoãn đơn hàng.
Trong hệ thống của Vinatex, các đơn vị như May 10, Dệt may Hòa Thọ, Dệt may Hà Nội có đơn hàng đến tháng 11, chỉ riêng Việt Tiến là có đơn hàng đến hết năm 2019.
Giới phân tích từng kì vọng rằng trong trường hợp hàng may mặc Trung Quốc bị áp thuế, thì một lượng đơn hàng đáng kể sẽ dịch chuyển sang Việt Nam.
Tuy nhiên, trong một chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, mà Việt Nam là một mắt xích, thương chiến là điều khó có ai mong đợi. Trước khi có thể hưởng lợi, Việt Nam hay bất kì bên tham gia nào đều sẽ gặp những xáo trộn trong kinh doanh.
Trong năm 2018, khi mà đơn đặt hàng đến nhiều hơn, hàng tồn kho của doanh nghiệp dệt may tính đến cuối quí III hầu hết đều tăng so với đầu năm. Tình thế đảo ngược trong năm 2019, và theo đó hàng tồn kho tính đến cuối quí III năm nay của đa phần nhóm này đều sụt giảm.
(+/-): Tăng/giảm so với đầu năm. Đvt: Tỉ đồng. (Nguồn: TV tổng hợp)
Một vài điểm sáng
Một vài điểm sáng xuất hiện tại các doanh nghiệp tư nhân, với hai lá cờ đầu là TNG và May Sông Hồng. Tại TNG, công ty cho biết doanh thu tăng trưởng là nhờ Công ty đã thực hiện cơ cấu lại khách hàng tập trung vào các khách hàng lớn, có thương hiệu và uy tín. Đồng thời, đã tiết giảm được chi phí nhờ đưa vào sử dụng những công nghệ, máy móc tiên tiến để tăng năng suất.
Trong khi đó, May Sông Hồng, doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm may mặc và chăn ga gối đệm thuộc số ít doanh nghiệp dệt may có biên lãi gộp quí III năm nay cải thiện so với cùng kì nhờ đẩy mạnh xuất khẩu.
Đvt: Tỉ đồng. (Nguồn: TV tổng hợp)
Gilimex là đơn vị có doanh thu quí III/2019 tăng trưởng đến 85% so với cùng kì, kết quả tích cực nhiều khả năng đến từ việc mở rộng làm ăn với Amazon, tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Mỹ. Tuy nhiên, biên lãi gộp suy giảm và chi phí bán hàng tăng đột biến đã khiến lãi ròng Công ty chỉ tăng 14%.
Trong khi đó, Dệt may Thành Công, một trong những đơn vị dệt may tư nhân lớn nhất Việt Nam chứng kiến lợi nhuận Công ty suy giảm mạnh do doanh thu xuất khẩu thụt lùi, biên lãi gộp co lại. Cũng cần lưu ý rằng trong quí III năm nay Dệt may Thành Công không có nguồn thu từ chuyển nhượng quyền thuê đất như cùng kì 2018.
Với những doanh nghiệp không thể thúc đẩy doanh thu, biên lãi gộp co lại khiến họ phải ngậm ngùi báo lãi sụt giảm mạnh so với cùng kì năm trước. Như trường hợp của Garmex Saigon có lãi ròng sụt đến 65%, khi biên lãi gộp giảm từ mức 19,7% cùng kì xuống còn 12,8% trong quí III năm nay.
Biên lãi gộp ngành dệt may co hẹp
Biên lãi gộp suy giảm là gam màu chung của doanh nghiệp dệt may nội địa, giữa bối cảnh khách hàng không chỉ thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn mà còn ép giá thấp hơn so với năm 2018.
Trong số các doanh nghiệp xét đến, chỉ có May Sông Hồng (MSH), Mirae (KMR), Everpia (EVE), TDT và Phong Phú (PPH, cái tên hiếm hoi của nhóm Vinatex) là có biên lãi gộp quí III/2019 cao hơn so với cùng kì năm trước.
Dù vậy, những đơn vị này chỉ là thiểu số, khi mà nhóm doanh nghiệp có biên lãi gộp suy giảm áp đảo cả về số lượng lẫn qui mô kinh doanh, xét trên khía cạnh doanh thu.
Thêm một thử thách đối với dệt may Việt Nam là giá nhân công đang dần cao hơn so với các đối thủ trong nhóm 10 nước xuất khẩu may mặc lớn nhất. Bởi lẽ chi phí lao động rẻ vốn là một lợi thế cạnh tranh cốt lõi để Việt Nam thu hút các đơn hàng dệt may.
Tuy nhiên, kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra, sự xuất hiện của các DN dệt may Trung Quốc tại VN với lượng tuyển dụng từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn lao động mỗi công ty đã đẩy giá nhân công tăng mạnh. Đây rõ ràng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước.
Với kết quả kinh doanh sụt giảm, trên thị trường chứng khoán, đa phần cổ phiếu ngành dệt may đều suy giảm trong những tháng gần đây. Diễn biến này không chỉ xảy đến với cổ phiếu của các doanh nghiệp có thành tích kinh doanh thụt lùi. Ngay cả cổ phiếu của những đơn vị làm ăn tăng trưởng, như TNG hay MSH đều sụt giảm mạnh, riêng GIL đã giảm đến 40% so với mức đỉnh lập hồi đầu năm 2019.