3 cách tự chế tạo máy lọc không khí cực đơn giản tại nhà
Máy lọc không khí loại bỏ bụi và vi khuẩn bảo vệ sức khỏe gia đình bạn. Tuy nhiên bạn không cần phải mua những loại máy lọc không khi đắt tiền, Điện máy XANH hướng dẫn các bạn 3 cách tự chế tạo máy lọc không khí rất đơn giản trong bài viết dưới đây!
Tầm quan trọng của máy lọc không khí
Máy lọc không khí có tác dụng khử mùi, lọc không khí loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus,... các tác nhân gây dị ứng, nấm mốc,... Bên cạnh đó máy còn tạo độ ẩm tự nhiên cho không khí.
Không như các loại máy tạo ẩm khác, máy lọc không khí có khả năng cân bằng độ ẩm để không gây tác động xấu đến sức khỏe và đặc biệt hữu ích cho các gia đình thường xuyên sử dụng máy lạnh trong phòng kín và thời tiết mùa hanh khô.
Máy lọc không khí đem lại không khí trong lành, tươi mát bảo vệ sức khỏe gia đình bạn nhất là người lớn tuổi và trẻ em có sức đề kháng yếu.
Cách tự chế tạo máy lọc không khí đơn giản tại nhà
1. Chế tạo máy lọc không khí bằng quạt hộp
Lựa chọn loại quạt
Quạt để làm máy lọc không khí phù hợp nhất là loại quạt hộp vuông 51 cm × 51 cm, có kích thước tương tự với bộ lọc thông thường, nếu không sử dụng quạt hộp mà sử dụng quạt tròn thì quạt phải có gờ để bạn gắn bộ lọc, tuy không đẹp lắm nhưng vẫn có hiệu quả.
Các bước thực hiện
Tiếp theo bạn mua một bộ lọc phù hợp với quạt, tốt nhất là sử dụng bộ lọc HEPA 20 kích thước 51 cm × 51 cm có tác dụng lọc được bụi li ti nhỏ nhất trong không khí. Bạn có thể dễ dàng mua bộ lọc này tại các cửa hàng trực tuyến hoặc các cửa hàng bán máy lọc không khí, máy điều hòa nhiệt độ.
Cố định bộ lọc lên quạt máy bằng băng keo, bạn có thể đặt bộ lọc trước hoặc sau quạt. Trên bộ lọc có mũi tên để chỉ luồng gió đi qua nó, nếu bạn đặt sau quạt mũi tên sẽ hướng vào cánh quạt, còn khi bạn đặt phía trước mũi tên sẽ hướng ra ngoài.
Hoàn thành
Cuối cùng, đặt quạt trong phòng kín, cắm điện và để quạt bắt đầu hoạt động lọc sạch không khí. Bộ lọc sẽ hoạt động hiệu quả trong phòng nhỏ như phòng ngủ, và khi thấy bộ lọc bắt đầu đen bạn nên thay thế, thường là sau khoảng 90 ngày.
2. Chế tạo máy lọc không khí bằng xô nhựa
Lựa chọn dụng cụ
Để làm máy lọc bằng xô nhựa bạn cần sử dụng một chiếc quạt tròn và xô có nắp. Quạt sẽ được cố định vào xô tạo thành máy lọc không khí.
Các bước thực hiện
Đầu tiên bạn đo đường kính của mặt quạt sau đó trừ đi 1,3 cm để chắc chắn quạt không rơi ra khỏi nắp xô khi gắn quạt.
Sử dụng số đo vừa đo để cắt một vòng tròn trên nắp xô nhựa, bạn cắt cẩn thận để không làm hỏng các cạnh bên ngoài nắp xô.
Trên thân xô bạn dùng máy khoan khoan các lỗ nhỏ để không khí có thể đi qua. Các lỗ này có chu vi khoảng 4 cm, khoảng cách giữa các lỗ là 1,5 cm, trên mỗi hàng bạn khoan khoảng 5 lỗ. Sau khi khoan xong bạn dùng giấy nhám chà lại cho mịn.
Hoàn thành
Bạn dùng bộ lọc HEPA, đo vị trí trên cùng của lỗ khoan trên thân xô rồi cắt bộ lọc bằng với lỗ khoan này. Sau đó cuộn bộ lọc lại, cố định nó vào bên trong để bộ lọc che kín hết các lỗ khoan.
Trên miệng xô bạn cắt một lỗ nhỏ để dây điện của quạt có thể luồn qua được khi gắn quạt vào xô. Cuối cùng bạn lắp quạt vào nắp xô với cánh quạt hướng lên trên, nửa trên của quạt nhô ra ngoài để thổi không khí vào phòng.
Cố định quạt vào xô, luồn dây điện qua lỗ đã cắt, sau đó cắm điện để quạt bắt đầu hoạt động. Bạn cũng lưu ý thay thế bộ lọc sau một thời gian sử dụng.
3. Chế tạo máy lọc không khí bằng khung gỗ
Lựa chọn loại quạt:
Đầu tiên bạn dùng quạt hộp để làm máy lọc không khí. Lý tưởng nhất là loại quạt có kích thước 51 cm X 51 cm. Bạn tháo một nửa sau vỏ quạt ra, để lại nửa phía trước.
Chế tạo hộp gỗ:
Đo quạt để tạo một hộp gỗ có thể đặt quạt và bộ lọc bên trong. Sử dụng gỗ ép cắt thành 4 tấm có kích thước 53x20 cm cho quạt có kích thước 51x51 cm. Nếu bạn sử dụng quạt có kích thước khác bạn cần đo quạt để cắt các tấm gỗ có kích thước lớn hơn.
Sử dụng một trong 4 tấm gỗ để tạo các khe gắn bộ lọc sau khi hoàn thành. Trên tấm gỗ, dùng máy cưa lọng để tạo hai khe có độ rộng 2,5 cm, hai khe cách nhau 1,5 cm và cách cạnh của miếng gỗ là 1,5 cm.
Cố định các miếng gỗ với nhau bằng keo dán gỗ, bạn có thể đặt miếng gỗ có hai khe ở bên trái hoặc bên phải hộp.
Tạo các rãnh cho bộ lọc
Dùng cưa, cưa 3 thanh gỗ để tạo thành các rãnh cho bộ lọc. Bạn cắt 3 thanh gỗ có kích thước 53,3 x 2,5 cm, điều chỉnh sao cho vừa khít với hộp gỗ.
Bạn dán các thanh gỗ này xuống đáy khung, hai thanh ở ngay hai vị trí khe đã cắt bên cạnh hộp, thanh còn lại cách 2,5 cm tính từ thanh thứ 2.
Tạo đường viền cố định quạt
Đường viền làm gọn bộ lọc và giúp giữ quạt đúng vị trí. Đầu tiên, đo kích thước của quạt. Phác thảo bằng bút chì lên trên gỗ, cắt nó ra bằng máy cưa lọng. Khi bạn hoàn thành, dán vào mặt trước của hộp sao cho nó không che mất cánh quạt.
Hoàn thành
Cuối cùng khi keo khô, bạn đặt quạt vào hộp. Đặt hai bộ lọc HEPA vào các rãnh phía sau. Lắp đường viền vào phía trước quạt. Cắm điện để quạt hoạt động, lọc sạch không khí trong phòng.
Những nhược điểm của máy lọc tự chế so với máy lọc thông thường
Các loại máy lọc không khí tự chế giúp tiết kiệm chi phí nhưng không thể so sánh với máy lọc không khí chuyên nghiệp.
Tự làm máy lọc khá mất thời gian, hoạt động gây ồn hơn, tốn điện hơn và không phải ai cũng có đủ dụng cụ như máy cưa, máy khoan,... để làm chúng.
Bên cạnh đó, máy lọc không khí chuyên dụng còn có khả năng cân bằng độ ẩm, một số còn có khả năng diệt muỗi, tạo ion,... mà máy lọc tự chế không thể làm được.